Luật nuôi chó mèo ở Việt Nam
Luật về thú cưng nuôi ở gia đình như chó & mèo ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề chưa hoàn thiện. Nhưng Homiepet nghĩ rằng trong tương lai xã hội ở Việt Nam sẽ gia tăng gia đình nuôi thú cưng chó mèo sẽ thúc đẩy luật về thú nuôi gia đình phát triển và hoàn thiện.
1. Quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại
1.1 Đối với chủ nuôi chó, mèo
- Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
- Giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
- Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
- Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
- Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định.
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
1.2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã
- Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:
– Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi.
– Số lượng chó mèo nuôi.
– Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại. - Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn.
2. Bắt buộc tiêm vắc-xin để phòng bệnh
- Đối tượng tiêm phòng bắt buộc: Chó, mèo.
- Thời gian tiêm phòng
+ Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào tháng 3 – 4. Ngoài ra, hàng tháng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ.
+ Liều lượng, cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin. - Phạm vi tiêm phòng: Tiêm phòng cho đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 70% tổng đàn.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn. Trong vòng 07 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.
- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể việc tiêm phòng vắc-xin Dại trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng và cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại cho chủ vật nuôi có chó, mèo được tiêm phòng vắc xin Dại.
3. Bồi thường thiệt hại do chó mèo gây ra theo quy định pháp luật
Người nuôi chó mèo vi phạm một trong các quy định nêu trên thì có thể thể phải bồi thường như sau :
- Chủ sở hữu chó mèo phải bồi thường thiệt hại do chó mèo gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng chó mèo phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho chó mèo gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp chó mèo bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng chó mèo có lỗi trong việc để chó mèo bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp chó mèo thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.